Lịch sử Công_trường_Quách_Thị_Trang

Cận cảnh tượng Quách Thị Trang

Lịch sử của công trường Quách Thị Trang gần như song hành với lịch sử chợ Bến Thành. Thời Pháp thuộc, khu đất công cộng mặt tiền chợ được gọi chính thức là Place d’Eugène Cuniac ("công trường Eugène Cuniac"), theo tên của thị trưởng thành phố Sài Gòn là François-Jean-Baptiste Cuniac (1851-1916). Một tên gọi thường được dân chúng sử dụng là Place Marché ("công trường Chợ").[1]

Năm 1955, chính quyền quốc gia cho đổi tên địa điểm này thành công trường Diên Hồng. Ngày 25 tháng 8 năm 1963, trong cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, chống thiết quân luật tại công trường, nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết. Tháng 8 năm 1964, một hội sinh viên đã quyên góp tiền để tạc và dựng tượng Quách Thị Trang, từ đó người dân Sài Gòn bắt đầu gọi khu vực này là công trường Quách Thị Trang (hay bùng binh Quách Thị Trang). Ít năm sau, hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Cao Kỳ rằng mỗi binh chủng Quân lực Việt Nam Cộng hòa dựng một bức tượng ở khu vực công cộng, Binh chủng Truyền tin Việt Nam Cộng hòa cho thiết kế tượng tướng quân Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa thả chim, bởi lực lượng này suy tôn Trần Nguyên Hãn là "thánh tổ".[1]